image Khám phá du lịch Gò Vấp
Tour du lịch “Gò Vấp – Trăm năm tìm lại dấu xưa” - Những điểm đến hấp dẫn, thú vị
Thứ ba, Ngày 14/05/2024, 09:50 CH Cỡ chữ Màu chữ image
(WEBGOVAP)- Quận Gò Vấp là quận nội thành nằm ở phía Bắc Thành Phố Hồ Chí Minh, Phía đông giáp quận Bình Thạnh, Phía tây và phía bắc giáp Quận 12, ranh giới là kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên, Phía nam giáp các quận Phú Nhuận và Tân Bình.

Đến với Gò Vấp, du khách tìm lại dấu xưa qua những điểm tham quan có tuổi đời trên dưới ba trăm năm với những trải nghiệm về văn hóa và lịch sử đặc trưng cổ xưa của vùng đất Gia Định. Bên cạnh đó, thương mại – dịch vụ trên địa bàn quận cũng đang phát triển với nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ, địa điểm vui chơi, giải trí lý tưởng cho du khách…

 

1. Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia Đình Thông Tây Hội- Số 319 Thống Nhất, Phường 11, Gò Vấp

 

 

 

Đây là một trong những Ngôi đình cổ nhất của vùng đất Gia Định xưa và miệt đất phương Nam còn tồn tại đến nay. Ngôi đình được những người di dân Thuận - Quảng (tức là vùng Quảng Bình cho đến Thừa Thiên Huế ngày nay) dựng lên khoảng năm 1698. Ban đầu chỉ dựng bằng tre, vách lá. Đến năm 1883, Đình thần Thông Tây Hội xây dựng theo kiến trúc như hiện nay, là nơi thờ Thành Hoàng, người bảo vệ cư dân khỏi thiên tai, dịch họa, tránh thú dữ… Cụ thể ở đây thờ hai vị thần Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương, hai Hoàng tử con vua Lý Thái Tổ (974-1028).

Đình xây dựng trên diện tích 761 m2 , kiến trúc đình có hình chữ “đinh” gồm hai trục song song với nhau: trục dài (trục chính) gồm võ ca, tiền điện, trung điện, chính điện; trục ngắn (trục phụ) là nhà hậu sở. Chính điện gồm hai tòa nhà kiến trúc kiểu tứ trụ, mái ghép trùng nhau theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Trên nóc chính điện có tượng “lưỡng long tranh châu” bằng gốm men xanh. Phía trước chính điện có ba hương án gỗ hình vuông lớn kiểu chân quì được khảm mảnh trai tinh xảo hình chim, hoa. Ngoài ra, các bức hoành phi, câu đối, liễn đối chạm nổi, chạm chìm chữ Hán có niên đại từ năm 1881- 1906.

Đình Thông Tây Hội còn giữ 37 hiện vật quý. Các hiện vật là tác phẩm chạm khắc nghệ thuật như bao lam, hoành phi, câu đối, trang thờ đều giữ được đường nét, màu sắc sơn son thếp vàng của hiện vật cổ, không bị phết lên những lớp son mới như một số ngôi đình khác thường làm. Đình Thông Tây Hội được công nhận là Di tích Kiến trúc nghệ thuật, văn hóa lịch sử Quốc gia năm 1998.

2. Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố Miếu Nổi (Phù Châu Miếu) - Số 46 Trần Bá Giao, Phường 5, Gò Vấp

 


Đoàn khảo sát của Sở Du lịch TPHCM thăm, khảo sát Miếu Nổi

 

 

Theo dân gian truyền tụng, Miếu được tạo dựng khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Toàn bộ diện tích của miếu nằm trên một cồn đất rộng khoảng   2.500 m2 , nằm giữa dòng sông Vàm Thuật, là nhánh của sông Sài Gòn. Vì nổi bật giữa sông Vàm Thuật nên bà con còn thuận miệng gọi là Miếu Nổi. Trước năm 1975, Miếu là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng của người dân Sài Gòn - Gia Định. Từ năm 1992 đến nay, sau nhiều lần trùng tu, miếu Nổi đã trở thành một ngôi miếu khang trang bằng vật liệu hiện đại, nhưng vẫn theo kết cấu kiến trúc cổ mang đậm nét văn hóa Việt - Hoa.

Tương truyền, vùng đất nơi này đã có từ lâu đời nay, người dân đi ghe thuyền buôn bán trên sông một hôm ghé lại ngủ qua đêm thấy 5 vị Ngũ Thần đó là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ độ cho buôn may bán đắt. Qua vài ngày sau đoàn ghe buôn ghé lại dựng lên ngôi miếu nhỏ để thờ cúng 5 bà Ngũ Hành phù hộ độ trì cho người đi thuyền bè qua lại trên sông, cùng độ cho người dân địa phương nơi đây.

Trong khuôn viên Miếu có cây si cổ thụ hàng trăm năm. Mặt tiền Miếu quay về hướng Nam, được cất theo kiểu chữ tam (三), gồm ba toà nhà nối liền nhau bởi sân thiên tỉnh. Mái lợp ngói âm dương tráng men xanh ngọc, gồm hai tầng chồng khít lên nhau. Toàn bộ kiến trúc trong miếu được trang trí bằng nghệ thuật khảm gốm, cẩn sứ hình rồng, phượng… rất tinh xảo, công phu và có tính nghệ thuật cao. Hai bên tường được cẩn sành mô tả các hình tượng tín ngưỡng dân gian. Miếu Nổi được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2014.

3. Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia Chùa Sắc Tứ Trường Thọ - Số 791 (số cũ: 53/524) Phan Văn Trị, Phường 7, Gò Vấp


Biển "Sắc Tứ Trường Thọ Tự" được ban dưới thời vua Tự Đức

 

Chùa thuộc phái Thiền Lâm Tế Liễu Quán. Trước kia có tên là Vĩnh Trường (tọa lạc tại thôn Hòa Mỹ, tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, thành Gia Định - vùng Đa Kao hiện nay). Tương truyền trong lúc bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh đã chạy vào chùa Vĩnh Trường ẩn nấp. Một cơn mưa ập đến giúp Nguyễn Ánh thoát nạn. Vì vậy vua Minh Mạng đã ban cho chùa tên “ Pháp Vũ” (trận mưa dạo pháp hiển linh) vào năm Minh Mạng thứ ba (1822). Khoảng năm 1859, chùa Pháp Vũ chuyển đến Gò Vấp do quân Pháp nổ súng chiếm thành Gia Định (thành Phụng), chúng phá các chùa xây dựng phòng tuyến từ Bến Nghé vào Chợ Lớn.

Thế kỷ 19, năm 1870 vua Tự Đức mở giới đàn tại triều đình, hòa thượng Hải Phước, hiệu Liễu Kiện, trụ trì chùa Pháp Vũ, được mời làm pháp sư, vua Tự Đức ban cho chùa Pháp Vũ tên mới là Trường Thọ.

Đến với chùa Sắc Tứ Trường Thọ, chúng ta sẽ hiểu thêm về sự phát triển của Phật giáo ở Gia Định xưa, về một ngôi chùa đã hai lần được hai vị vua Triều Nguyễn đặt tên và chiêm ngưỡng vẻ độc đáo của những pho tượng được tạo từ hơn hai trăm năm trước. Trong chùa Sắc tứ Trường Thọ hiện còn bảo tồn được nhiều di vật cổ có giá trị, được tạc và đúc từ thế kỷ XVIII như: Hai biển "Sắc tứ" của Vua Gia Long và Vua Tự Đức đã ban cho chùa gồm: Sắc tứ Pháp Vũ (Gia Long - 1802) và Sắc tứ Trường Thọ (Tự Đức - 1870); Tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít (cao 1,8m, không có bệ), Bộ tượng Di Đà Tam Tôn (A Di Đà, Quán Thế âm, Đại Thế Chí) bằng gỗ (cao 0,9m, ngang 0,5m) - là 3 pho tượng cổ nhất ở chùa được chạm khắc vào đầu thế kỷ XVIII; Bộ tượng Thập Bát La Hán bằng đất nung phủ sơn (cao 0,62m, đế cao 0,15m, ngang 0,43m); Bộ tượng Thập Điện Diêm Vương bằng gỗ mít (cao 0,67m, ngang 0,33m). Đại hồng chung ở chùa Trường Thọ là một quả chuông quý được đúc vào năm 1808,.. cùng những hiện vật quý khác. Chùa Sắc Tứ Trường Thọ được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2000.

 

4. Nhà thờ Hạnh Thông Tây - Số 688 (số cũ: 53/7) Quang Trung, phường 11, Gò Vấp

 


Đặc trưng phong cách kiến trúc Byzantine của Nhà thờ Hạnh Thông Tây

 

Xứ đạo Hạnh Thông Tây có từ năm 1861 do Giám mục Puginier gầy dựng. Lúc ấy chưa có nơi tụ họp nên một số người khá giả đã ưng thuận hiến tặng ngôi đình của họ mà dựng lên ngôi nhà nguyện đầu tiên của Hạnh Thông Tây. Đến năm 1921 ngôi nhà thờ cũ đã trải qua 30 năm nên đã hư hại, dột nát vì chỉ bằng đất và vật liệu thường. Sau khi cầu xin cùng thánh Giuse, linh mục Mattheu Hồ Tấn Đức được ông Denis Lê Phát An - cậu ruột của Nam Phương Hoàng hậu - vợ Vua Bảo Đại đầu tư xây dựng vào năm 1921, trên diện tích 2ha, theo phong cách kiến trúc Byzantine của châu Âu, mô phỏng theo Vương cung thánh đường Vitale ở Thành phố Ravenna của Ý, dài 40m, rộng 14m, cao 16m, tháp chuông cao 30m, một vòm chính với 2 vòm phụ, kiến trúc và nội thất cổ được bảo tồn khá chu đáo. Trong nhà thờ còn có hai ngôi mộ vợ chồng ông Lê Phát An là cách để tưởng nhớ công của ông bà đã đóng góp cho giáo dân nơi đây, là một đặc ân đặc biệt hiếm có trong Công giáo.

 

5. Làng nghề đúc lư đồng An Hội, Phường 12, Gò Vấp

 


Lãnh đạo Thành phố và quận thăm cơ sở sản xuất lư đồng tại Phường 12

 

Một điểm đến cũng khá thú vị khi đến Gò Vấp mà du khách không thể bỏ qua, đó là làng nghề đúc lư đồng An Hội. Theo sử sách, nghề đúc lư đồng xuất hiện ở Sài Gòn từ thế kỷ thứ 18. Khi đó, có hai nghệ nhân sau khi học nghề ở phủ Thừa Thiên đã đem nghề đúc đồng về phát triển ở Phú Lâm, rồi chuyển về làng An Hội cho tới nay. Thời thịnh vượng, cả khu vực An Hội có trên 30 hộ theo nghề này. Đa số họ di cư từ các tỉnh miền Trung vào. Đến nay An Hội vẫn còn 5 hộ gia đình giữ được nghề đúc đồng thủ công, giữ lửa, truyền nghề cho con cháu. Để hoàn thành một thành phẩm lư đồng phải trải qua rất nhiều khâu và phải vận dụng nhiều kỹ thuật khá tinh xảo. Do đó, người nghệ nhân gần như phải đảm nhiệm hầu hết các công đoạn, từ gia công trên đồ đồng, đến pha chế nguyên liệu, làm khuôn, đúc, cho đến kỹ thuật chạm chìm, chạm nổi, chạm lộng hoặc cẩn tam khí. Vào dịp Lễ Tết, các lò đúc đồng An Hội luôn nhộn nhịp với nhân công thời vụ và hàng chục nghệ nhân, tất bật chuẩn bị cho những bộ lư mới ra lò, sau đó thành phẩm sẽ được đưa ra các đại lý ở Chợ Lớn để đi khắp các tỉnh Nam Bộ với mong muốn không khí Tết đến Xuân về nhà nào cũng phải có bộ lư đồng mới để tỏ lòng thờ phụng tổ tiên thành kính nhất.

 

6. Chuỗi hoạt động giải trí nhà hàng, sân Golf- Long Biên Palace: Số 6 Tân Sơn, phường 12, Gò Vấp

 

 

 

Là sân Golf có quy mô và chất lượng hàng đầu tại Việt Nam cũng như trong khu vực Đông Nam Á đáp ứng nhu cầu giải trí của giới doanh nhân. Tổng diện tích sân golf lên đến hơn 150 ha và được chia ra làm 4 khu vực sân khác nhau. Mỗi sân đều được thiết kế với 9 lỗ golf và số gậy tiêu chuẩn là 36 gậy. Giống như nhiều nơi khác, Sân Golf còn cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích cho các golfer. Phần lớn sẽ là không gian để golfer nghỉ ngơi, ăn uống hoặc mua sắm gồm Nhà hàng, trung tâm hội nghị - tiệc cưới Long Biên Palace đạt chuẩn quốc tế 5 sao, sang trọng, độc đáo, đẳng cấp, thường xuyên đón tiếp các đoàn khách trong và ngoài nước, giới doanh nhân.

 

7. Quán cà phê Family Garden: Số 438 Phan Văn Trị, Phường 7, Gò Vấp

 

 

 

Tại Family Garden Cafe, bạn sẽ choáng ngợp bởi không gian vô cùng tuyệt đẹp tại đây với một thiên nhiên có thác nước, có cây, có hồ, có bản nhạc du dương, nhẹ nhàng. Với không gian xanh mát, hoà quyện, bạn sẽ cảm thấy thoải mái cơ thể , thoải mái tinh thần, thiên nhiên và con người giao hòa với nhau.

 

8. Quán cà phê sân thượng N.111 - ngắm máy bay cất, hạ chánh:  Số 185 – 189 Quang Trung, Phường 10, Gò Vấp

 

Là một trong những quán có thể ngắm được toàn cảnh sân bay hiếm hoi ở Sài Gòn được nhiều người yêu thích. Đến với quán cà phê ngắm máy bay bạn sẽ cảm thấy thoải mái với không gian thoáng đãng. Ngồi nhâm nhi ly nước bạn cũng có thể ngắm được chiếc máy bay cất cánh và hạ cánh vô cùng thú vị.

 

9. Cà phê Du Miên: Số 7, Phan Văn Trị, Phường 10, Gò Vấp.

 

 

 

Với lối thiết kế mang đậm phong cách Châu Âu, bạn chỉ cần bước tới cổng quán Du Miên thôi thì bạn cũng đã có thể tạo dáng chụp những cảnh đẹp rồi, qua cánh cổng với những khung cảnh đẹp bạn sẽ ngỡ ngàng khi thấy 1 không gian lộng lẫy và tuyệt đẹp.

 

Du Miên Garden với không gian mát mẻ, thoáng đãng, hồ nước nhân tạo, thảm cỏ xanh cùng dòng suối nhỏ đặc biệt nhất là những căn nhà nhỏ trên những cây cổ thụ tạo cảm giác thư giãn sau những ngày làm việc mệt mỏi có lẽ được đánh giá là không 1 quán café nào giữa lòng Sài Gòn có được.

 

10. Dưỡng sinh Đông Y Mộc Tâm: Số 98 đường số 10, KDC Cityland Park Hills, Phường 10, Gò Vấp.

 

Với quy mô 12 giường, phòng ngâm tắm 2 bồn và phòng xông hơi, Mộc Tâm sẽ là nơi lý tưởng để bạn xua tan mệt mỏi với các liệu trình chuẩn Đông Y. Các dịch vụ nổi bật không thể thiếu tại Mộc Tâm là Gội Dưỡng Sinh, Gội Thượng Thang, Ngâm tắm,… được sử dụng sản phẩm từ thảo dược tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Quý khách sẽ được chăm sóc dịch vụ bởi đội ngũ kỹ thuật viên được đào tạo bài bản, lành nghề. Với sứ mệnh là nơi chăm sóc và bảo dưỡng sức khoẻ theo phương pháp Dưỡng sinh Đông Y một cách an toàn - hiệu quả, giúp cải thiện sức khỏe của bạn và gia đình, Mộc Tâm sẽ là nơi tuyệt vời giúp bạn tái tạo năng lượng và chăm sóc sức khỏe chủ động.

 

11. Phòng khám YHCT Nam Trân: Số 366/17 Phan Văn Trị, Phường 5, Gò Vấp.

 

Được thừa kế tinh hoa của nền y học nước nhà, kinh nghiệm truyền thống Y Gia từ  thế hệ Ông, Cha  đúc kết và phát huy kiến thức mới tạo thành một ngành Đông y hiện đại. Phòng khám hoạt động: khám bệnh-kê toa-bốc thuốc-châm cứu- bấm huyệt-massage, điều trị các bệnh lý (về Hô hấp, thần kinh, Tuần hoàn, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục, ngoài da, xương khớp,.. Đặc biệt bệnh lý về Cột sống và Hiếm muộn Nam-Nữ).

 

12. Siêu thị Emart: Số 366 Phan văn Trị, Phường 5, Gò Vấp

 

 

 

Siêu thị Emart có diện tích rộng tới 3ha, với tổng số vốn đầu tư hơn 1 tỷ. Nơi đây cung cấp đa dạng các loại mặt hàng như: nhu yếu phẩm, thời trang, ăn uống… và còn là  địa điểm check-in quen thuộc của nhiều bạn trẻ đến chụp hình mỗi ngày với các bức tường với màu sắc vintage, cách trang trí hiện đại, độc đáo.

 

13. Quảng trường Hòa Bình khu City Land Park Hills

 

 

 

Quảng Trường Hòa Bình với quy mô 15.000m2, điểm nhấn là khu nhạc nước, khu vui chơi giản trí và hành lang xanh. Nơi đây là dịp để người dân Gò Vấp và các khu vực lân cận có thể đến tản bộ, tập thể dục, thưởng thức nghệ thuật nhạc nước sống động vào dịp cuối tuần. Đặc biệt thời gian qua, nơi đây đã được quận Gò Vấp chọn làm điểm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa – xã hội ý nghĩa vào dịp lễ quan trọng, truyền tải những thông điệp đẹp, giá trị văn hóa, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân đối với phong trào, kế hoạch hoạt động của quận.

 

Khu vực căn hộ cao cấp và khu chung cư với kiến trúc theo phong cách Châu Âu cổ điển, sang trong được tọa lạc trên tuyến đường Nguyễn Văn Lượng, Phan văn Trị tạo nên diện mạo mới về kiến trúc đô thị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quận Gò Vấp những năm gần đây.

 

14. Lotte Mart: Số 242 Nguyễn Văn Lượng, Phường 10, Gò Vấp

 

 

 

Lotte Mart Gò Vấp có diện tích 26.651 m2 là trung tâm thương mại tích hợp gồm siêu thị, khu mua sắm cao cấp, khu vui chơi giải trí, ẩm thực… là nơi lần đầu tiên được áp dụng mô hình bán lẻ tiên tiến với quy hoạch phân khu chức năng đi kèm trang thiết bị quầy kệ hiện đại hàng đầu thế giới. Những khu vực chuyên biệt mới được lắp đặt nhằm phục vụ chuẩn mực cuộc sống ngày một nâng cao của người tiêu dùng Việt Nam. Lotte Mart sẽ mang tới rất nhiều sản phẩm nhãn hàng riêng đã từng gây tiếng vang tại thị trường Hàn Quốc để phục vụ nhu cầu mua sắm của ngươi Việt Nam.

 

15. Công viên Văn hóa Gò Vấp - Số 1 Nguyễn Văn Lượng, Phường 6, Gò Vấp

Công viên Văn hóa Gò Vấp được quy hoạch quy mô hơn 37ha. Bước vào trong bạn sẽ có cảm giác như bước vào một làng quê thanh bình vậy, tạo cho bạn cảm giác như được hòa mình vào thiên nhiên. Lối dẫn vào khuôn viên được trồng hoa dọc hai bên đường như bông giấy. Bên trong có hồ sen, đầm cỏ lau, khu rừng là nơi lý tưởng cho mấy bạn trẻ chụp hình. Ngoài ra công viên có khuôn viên khá rộng thích hợp cho các bạn đi bộ, tập thể dục, có khu vui chơi trẻ em, sân bóng rổ , sân cầu lông. Tạo cảm giác thoáng mát là những điều khiến bạn yêu thích tại đây.

 

16. Quán Café Aroma - Số 51 -53 Đường số 1, Khu Dân cư Cityland, Gò Vấp

 

 

 

Lấy cảm hứng “vườn trong thành phố” Café Aroma là sự kết hợp hoàn hảo giữa gam màu lạnh của sự tươi mới. Kết cấu” nhà vườn”  kết hợp 3 tầng rộng rãi, Aroma hứa hẹn với thực đơn đa dạng bao gồm cả đồ ăn sang, trưa và thức uống. Du khách thả hồn theo những nốt nhạc cổ điển, ngắm nhìn cây cối, nơi bạn có thể quên hết buồn phiền để tìm về chút bình yên.

 

17. Biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại nhà Nghệ sĩ Đức Dậu: Số 62 Phạm Huy Thông, phường 7 , Gò Vấp

 


Hội LHPN quận Gò Vấp thăm bảo tàng nhạc cụ dân tộc của Nghệ sĩ Đức Dậu

 

 

Du khách trải nghiệm, thưởng thức các giai điệu truyền thống qua Độc tấu Bộ gõ “Trống trận Quang Trung”, sáo Hmông, đàn Bầu, đàn Chapi, kèn không phím, đàn đá... và giao lưu cùng gia đình nghệ nhân Đức Dậu với những câu chuyện thú vị về quá trình sưu tầm, gìn giữ, truyền cảm hứng âm nhạc dân tộc.

Hiện nay, tại tư gia của nghệ sĩ Đức Dậu có trưng bày nhạc cụ của 54 dân tộc được nghệ nhân dành nửa đời người để tìm tòi, khám phá và sưu tầm. Đến nay, bộ sưu tập đồ sộ của nghệ sĩ Đức Dậu đã được mở rộng lên tới 200 nhạc cụ dân tộc và gần 2000 hiện vật như Tù Và Ngà voi, Tù Và đá, trống Cheng (Tây Bắc), đàn Pơ – rố (Tây Nguyên), dàn chiêng tre 13 thanh (Tây Nguyên),... và nhiều nhạc cụ khác đến từ khắp các vùng miền trên cả nước. Ông là một trong số ít những nghệ sĩ hiếm hoi kiên trì với sứ mệnh gìn giữ nhạc cụ dân tộc. được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (năm 2015).

 

18. Rạp Xiếc: Số 3 Hoàng Minh Giám, Phường 3, Gò Vấp

 

Tại đây, những vở diễn được quy tụ những tiết mục xiếc đặc sắc và hấp dẫn. Sân khấu được trang trí màu sắc, với những kỹ xảo lung linh huyền ảo. Đến với chương trình các bạn nhỏ sẽ được đắm chìm trong không gian cổ tích với những nhân vật gần gũi với các bé như Thần đèn, Công chúa Ba tư xinh đẹp, Chàng Aladdin dũng cảm, Lão Phù thủy độc ác,.... Những màng xiếc thú như: khỉ, trăn, cá sấu, chó,…độc đáo và hấp dẫn. Câu chuyện được kể thông qua các tiết mục xiếc đặc sắc và hấp dẫn của chương trình sẽ tạo ra sự hứng thú và cuốn hút không chỉ với các bạn nhỏ mà cả với người lớn. Bên cạnh đó, các em nhỏ còn được tham gia giao lưu cùng các nhân vật trong chương trình, tận hưởng câu chuyện hấp dẫn, lý thú, giáo dục các em biết yêu cái đẹp, hướng tới những điều thiện và xa lánh cái xấu. Hứa hẹn đây sẽ là một món quà ý nghĩa cho các bạn nhỏ.

 

Một số địa chỉ ẩm thực:

1. Ẩm thực Ba Gác: Số 1 Quang Trung, Phường 10, Gò Vấp.

2. Ẩm thực Chay Thủy Mộc: Số 39 Trần Thị Nghỉ, Phường 7, Gò Vấp.

3.Quán ăn Gia Đình Những Người Bạn: Số 14 Phan Văn Trị, Phường 7, Gò Vấp.

4. Nhà hàng Con Gà Mái:181 Quang Trung, Phường 10, Quận Gò Vấp.

5. Quán Phở 10 Lý Quốc Sư: Số 68 Lê Đức Thọ, Phường 7, Gò Vấp.

6. Ẩm thực đặc trưng: Lẩu dê (Lẩu dê Đức Dưỡng: Số B15/1 Tân Sơn, Phường 12, Gò Vấp).

7. Quán bún mộc Trang Thư: Số 119-121 Lê Văn Thọ, Phường 8, Gò Vấp

 

Nguồn:
Lượt xem: 4982
Bản in Quay lại
Tin mới hơn
Tin đã đưa
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin