image Hoạt động Đảng bộ
Chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 – 2.9.2024)
Chủ nhật, Ngày 25/08/2024, 09:32 SA Cỡ chữ Màu chữ image
(WEBGOVAP) – Sáng ngày 24.8.2024, Đảng ủy Phường 12 đã tổ chức hoạt động về nguồn tham quan Khu di tích lịch sử truyền thống cách mạng “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” và Căn cứ địa cách mạng lừng lẫy “Láng Le – Bàu Cò” (tại Xã Tân Nhựt – Huyện Bình Chánh) - những "địa chỉ đỏ" thiêng liêng của Thành phố Hồ Chí Minh, nơi tưởng niệm, tri ân cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước bất khuất cho các thế hệ...

Đoàn do đồng chí Nguyễn Chí Kiên – Quận ủy viên – Bí thư Đảng ủy Phường làm Trưởng đoàn. Cùng tham dự có các đồng chí Huỳnh Thị Hạ Liên – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phạm Trung Kiên – Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Phường; các đồng chí Thường trực ban ngành - đoàn thể Phường; cấp ủy 30 Khu phố; các Chi bộ Trường học, Quân sự và Công an Phường…

 


Đoàn tham quan Khu di tích lịch sử truyền thống cách mạng “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” và căn cứ địa cách mạng lừng lẫy “Láng Le – Bàu Cò” (tại Xã Tân Nhựt – Huyện Bình Chánh)

 

 

 

Khu di tích lịch sử truyền thống cách mạng “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” có tổng diện tích 12ha, với khối công trình chính gồm: Bức phù điêu được đúc bằng đồng đỏ (cao 9m, dài 90m) tái hiện những trận đánh ác liệt và bi tráng vào đầu não của địch ở Sài Gòn qua hai đợt tấn công vào Mậu Thân 1968. Nhóm tượng chính giữa là lực lượng thanh niên xung phong, quân giải phóng, lực lượng hậu cần, dân công hỏa tuyến… Đây cũng chính là điểm nhấn của khu di tích. Phía trước đó là Đài tưởng niệm rộng lớn với hình ảnh ngọn lửa yêu nước luôn bùng cháy và tỏa sáng khí thế, tinh thần bất khuất của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến cứu nước, giành độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất non sông...

Bên dưới bức phù điêu là khu tầng hầm với các gian trưng bày triển lãm có thiết kế độc đáo theo motip hiện đại, mang dáng vòng tròn (tổng diện tích 3.200m2), thấp hơn mặt đất 6 mét. Trong đó trưng bày 4 chuyên đề nổi bật, thể hiện đậm nét những dấu ấn Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta. Nơi đây có phòng trình chiếu sa bàn kết hợp màn hình chiếu phim và khu vực tái hiện cảnh chiến đấu tại đường Minh Phụng, được các nghệ nhân điêu khắc dàn dựng sống động theo tỉ lệ 1:1 khiến người xem như "xuyên không" có mặt tại chiến trường xưa cùng các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. Với sự tái hiện như hiện thực, người xem được nghe, được thấy, được sống trong không khí của cuộc chiến đấu ngày đó với những tiếng súng vang dội, với mùi thuốc súng đặc trưng, với bụi bê tông đổ vỡ… Tất cả để được hiểu thêm về cuộc sống chiến đấu gian lao, ác liệt nhưng anh dũng, quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của quân và dân miền Nam nói chung, Sài Gòn nói riêng…

Nhiều hiện vật, tài liệu, phim ảnh về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được lưu giữ, trưng bày tại đây giúp hỗ trợ cho việc học tập, nghiên cứu, thể hiện lòng tri ân, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tạo thêm điểm nhấn phát huy tiềm năng phát triển du lịch về nguồn tại các “địa chỉ đỏ” - thu hút du khách tìm về với cội nguồn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Ngay bên cạnh Khu di tích lịch sử truyền thống cách mạng “Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” là Khu di tích lịch sử Chiến thắng Láng Le – Bàu Cò, biểu tượng lòng quả cảm của quân dân miền Đông trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Cách đây hơn 76 năm, rạng sáng 15.4.1948, thực dân Pháp đã huy động khoảng 3.000 quân xâm lược tinh nhuệ, nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại đồng loạt tấn công căn cứ Láng Le bằng nhiều hướng. Trong khi đó, lực lượng vũ trang cách mạng tại Láng Le - Bàu Cò bấy giờ trang bị thô sơ, lực lượng nhỏ, chỉ gồm có 4 đại đội thuộc Trung đoàn 308 (Chi đội 15), 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 306 (còn gọi là Trung đoàn Phạm Hồng Thái), cùng Trung đội nữ binh, Quốc vệ đội, dân quân du kích tại địa phương… Nhưng quân dân ta lại có một lợi thế rất lớn, đó là địa hình và lòng dân của một vùng Tam Tân rộng lớn (Tân Kiên, Tân Tạo, Tân Nhựt) như “thiên la địa võng”, dù thực dân Pháp có biết nhưng chưa đề ra được phương án tác chiến nào hữu hiệu để phá được thế hiểm này.

Với lòng dũng cảm, mưu trí và thao lược, dựa theo địa hình và được sự hỗ trợ hết lòng của nhân dân, cuộc chiến đấu diễn ra càng lúc càng bất lợi cho giặc. Đến 14 giờ cùng ngày thế trận đã hoàn toàn khác. Từ thế bị bao vây, ta đã chuyển sang chủ động tấn công và rút toàn bộ lực lượng về rừng Bà Vụ an toàn. Láng Le ngày ấy đã đào sâu nấm mồ chôn 300 tên giặc xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đoàn kết một lòng đã tạo nên chiến công Láng Le có giá trị lớn về mặt nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân, là trận đánh báo hiệu không thể thắng được của giặc xâm lược đối với dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân Trung Huyện - Bình Chánh anh hùng nói riêng.

Bước sang giai đoạn chống Mỹ cứu nước, Láng Le - Bàu Cò vẫn là nơi hiểm hóc đối với Mỹ - ngụy. Các nhà quân sự Mỹ biết rõ một điều: Láng Le còn Việt Cộng thì Thành đô Sài Gòn của ngụy quyền không dễ an toàn. Ngày 14.4.1966, theo tình báo của chúng, nằm trong kế hoạch tìm và diệt, Mỹ - ngụy đã dùng trực thăng đổ xuống vành đai Ấp 1 - Xã Tân Nhựt một tiểu đoàn biệt động quân. Hỗ trợ cho lực lượng này gồm có máy bay phản lực, pháo binh với ý đồ dùng lực lượng mạnh tiêu diệt lực lượng nhỏ của ta. Bấy giờ lực lượng của ta chỉ có Đại đội 2 - Tiểu đoàn 6 Bình Tân và một tiểu đội du kích Xã Tân Nhựt… Sau 18 năm, lịch sử đã lập lại trên vùng đất Láng Le anh hùng này. Từ thế bị tấn công chuyển lên thế chủ động tấn công, trong trận đánh này ta đã tiêu diệt và làm tan rã tiểu đoàn biệt động ngụy.

Cũng tại căn cứ Vườn Thơm - Bà Vụ, vùng Láng Le là một trong những nơi mà cánh quân hùng hậu của ta làm cứ điểm tiến vào nội đô Sài Gòn, góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định ra Nghị quyết chuẩn bị cho chiến dịch, với vị trí cửa ngõ phía Tây Nam thành phố, quân dân Bình Chánh vinh dự được giao nhiệm vụ tiếp đón các binh đoàn về đứng chân để tiến công giải phóng Sài Gòn. Công sức nhỏ góp phần vào thắng lợi lớn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, tấm lòng quân dân vùng Láng Le - Bàu Cò thể hiện rõ qua lời nhận định của đồng chí Trần Văn Giàu: “Tân Tạo, Tân Túc, Tân Kiên, Tân Nhựt trống trải lắm, không vườn, không rừng, chỉ có ruộng và cỏ, nhưng lòng dân là rừng núi”, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30.4.1975.

Nhớ về vùng Láng Le – Bàu Cò là nhớ về vùng sông nước, đầm lầy gian lao mà anh dũng, là nhớ về người lính vệ quốc vô cùng thân thương chỉ có nóp với giáo và lòng yêu nước nồng nàn mà lập nên nhiều chiến công hiển hách, là nhớ về những người mẹ, những người cha, người anh, người chị thân thương chân lấm tay bùn, lam lũ quanh năm nhưng vẫn một lòng một dạ theo Đảng anh dũng hy sinh để bảo vệ căn cứ cách mạng Vườn Thơm… Đó còn là nhớ về đội quân ban đầu còn non trẻ, nhưng thể hiện tinh thần cách mạng năng động, mưu trí, sáng tạo, tận dụng được lợi thế địa hình, địa vật để phát huy ưu thế. Bên cạnh đó là tình nghĩa gắn bó thủy chung giữa quân và dân ta đã tạo nên một Láng Le “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” - yếu tố của mọi thành công và chiến thắng. Thời gian đi qua, nhưng chiến công Láng Le - Bàu Cò mãi khắc ghi vào trang sử vàng của dân tộc trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

 


Các đại biểu dâng hương, dâng hoa tại các di tích lịch sử cách mạng

 

 

 

 

 

Sau Lễ dâng hương, dâng hoa các Di tích lịch sử cách mạng, tưởng niệm các Anh hùng – Liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đoàn cán bộ các cấp ủy trực thuộc Đảng bộ Phường đã dự hội nghị chuyên đề “Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa bàn dân cư trong giai đoạn hiện nay”. Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Chí Kiên – Quận ủy viên – Bí thư Đảng ủy Phường nhấn mạnh: “Trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, thường xuyên trau dồi phẩm chất, đạo đức cách mạng; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, giữ trọn niềm tin của nhân dân đối với Đảng”.

 


Đồng chí Nguyễn Chí Kiên – Quận ủy viên – Bí thư Đảng ủy Phường 12 phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị chuyên đề “Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở địa bàn dân cư trong giai đoạn hiện nay”

 

 

Hội nghị đã thống nhất cần tập trung thực hiện một số giải pháp để đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, nhất là người đứng đầu, đó là: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên về phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, đề cao danh dự, lòng tự trọng, nêu gương của người cán bộ, đảng viên theo Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19.12.2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25.10.2021 của Ban Chấp hành Trung ương “Về những điều đảng viên không được làm”; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả 4 nhóm giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 Khóa XI, nắm vững 27 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các giải pháp ngăn ngừa theo tinh thần Nghị quyết, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII và XIII. Đặc biệt nữa là thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18.5.2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trên cơ sở đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần cụ thể hóa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể hàng ngày, gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, từ đó sẽ nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong hệ thống chính trị, tự giác nêu gương về mọi mặt, tạo sự lan tỏa trong xã hội. Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ mọi mặt; quan tâm giúp đỡ, động viên cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, tạo điều kiện để mỗi cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch tự phấn đấu vươn lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; phát huy dân chủ, thực hiện thường xuyên tự phê bình và phê bình với tinh thần thẳng thắn, không “dĩ hòa vi quý”, không nể nang, né tránh, ngại va chạm; không lợi dụng tự phê bình và phê bình để gây mất đoàn kết nội bộ. Tăng cường giáo dục, rèn luyện, nâng cao ý thức giai cấp, ý thức chính trị, vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Giáo dục và rèn luyện cán bộ, đảng viên tuân theo các vấn đề có tính nguyên tắc, như lý luận gắn liền với thực tiễn; học đi đôi với hành; nâng cao kiến thức gắn liền với củng cố, phát triển bản lĩnh, quyết tâm chính trị. Cần giáo dục, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng thực sự tiên phong, gương mẫu, tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có ý thức tổ chức kỷ luật; có trình độ năng lực và phương pháp, tác phong công tác tốt; có tinh thần trách nhiệm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận, phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời, nhận diện và phòng, chống hiệu quả những nguy cơ suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nâng cao hiệu quả tự phấn đấu, tự rèn luyện của cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ mọi mặt; quan tâm giúp đỡ, động viên cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, tạo điều kiện để mỗi cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch tự phấn đấu vươn lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ, đảng viên có thể tự học qua sách, báo, qua các phương tiện thông tin đại chúng, học tập lẫn nhau và qua hoạt động thực tiễn, thâm nhập vào phong trào cách mạng của quần chúng. Đồng thời, mỗi đảng viên cần thực sự sâu sát với quần chúng, quý trọng nhân dân, tuyên truyền và tổ chức hiệu quả cho quần chúng thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, hòa mình vào thực tiễn cách mạng.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, kiên quyết sàng lọc, loại bỏ những người thoái hóa, biến chất ra khỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng quy chế, quy định cụ thể để đảng viên tự giác chịu sự kiểm tra, giám sát của chi bộ, của cấp ủy nơi công tác, nơi cư trú; ngăn chặn việc tự đặt bản thân lên trên tổ chức, lên trên tập thể, đồng thời khắc phục tình trạng e dè, nể nang, bao che, lảng tránh trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Cần dựa vào nhân dân và đề cao trách nhiệm của nhân dân trong kiểm tra, giám sát, đánh giá, nhận xét năng lực, phẩm chất đạo đức, các mối quan hệ với quần chúng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

PHƯƠNG THẢO
Lượt xem: 25
Bản in Quay lại
Tin mới hơn
Tin đã đưa
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)
imageUser
Thông tin cá nhân
Bạn vui lòng để lại thông tin để gửi bình luận
Đóng
Lưu thông tin