Ngày 8.5.2023, hướng đến kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19.5 (1890 – 2023), Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận Gò Vấp đã phối hợp với Công đoàn cơ sở Sở Công Thương Tỉnh Đồng Tháp tổ chức hoạt động “Về nguồn” thăm Di tích lịch sử Quốc gia “Khu mộ Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc” - nhà Nho yêu nước, thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại Xã biên giới Thường Phước 1 – Huyện Hồng Ngự - Tỉnh Đồng Tháp. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Hà – Quận ủy viên – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Quận ủy cùng các đồng chí lãnh đạo Sở Công Thương Tỉnh Đồng Tháp, Thường trực Đảng ủy – HĐND – UBND – UB.MTTQ Việt Nam Xã Thường Phước 1…

Đến thăm và thành kính dâng hương mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc - nhà Nho yêu nước, thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh (tọa lạc ở số 123/1 đường Phạm Hữu Lầu - Phường 4 – Thành phố Cao Lãnh - Tỉnh Đồng Tháp), Đoàn tham quan đã được nghe giới thiệu đây là quần thể kiến trúc văn hóa đặc biệt được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia ngày 9.4.1992. Cụ Nguyễn Sinh Sắc (còn có tên là Nguyễn Sinh Huy) sinh năm 1862 tại Xã Chung Cự - nay là Xã Kim Liên - Huyện Nam Đàn - Tỉnh Nghệ An. Sau khi đỗ đạt, làm quan rồi từ quan, thân sinh Bác đã đi nhiều nơi trong nước làm nghề dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo và tuyên truyền phong trào yêu nước trong nhân dân. Cụ đến với mảnh đất Hòa An - Cao Lãnh vào năm 1917. Từ đây, cơ duyên cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc gắn bó sâu nặng với con người và mảnh đất Hòa An - Cao Lãnh. Sau 2 năm đầu ở Cao Lãnh, cụ Sắc không ở cố cố định mà đi nhiều nơi để hoạt động yêu nước. Đến 1927, cụ mới chính thức chọn về sống, hoạt động và gắn bó lâu dài với Hòa An. Khi hay tin đó, cụ Lê Chánh Đáng - một nhân sĩ yêu nước, người bạn tâm giao với cụ Sắc đã bàn với nhóm thanh niên yêu nước mời cụ Sắc về ở nhà ông Năm Giáo - một người đàn ông nghèo góa vợ làm nghề chèo ghe mướn. Hàng ngày, Cụ đi bộ ra chợ Cao Lãnh, xem mạch, kê toa, hốt thuốc và đàm đạo cùng các sỹ phu và các thân chủ ở tiệm thuốc bắc “Hằng An Đường”.

Trong suốt quá trình sinh sống và hoạt động tại đây, cụ Sắc bị nhà cầm quyền Pháp liên tục theo dõi, song cụ vẫn đến được nhiều nơi để giao lưu, tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước. Cụ đã sống những năm tháng tuổi già trong tình cảm ấm áp chở che thương yêu của bà con. Lúc cụ lâm bệnh nặng, đông đảo bà con và các anh thanh niên trong Tổ Nông Hội Đỏ, đặc biệt là cụ Đáng và cụ Năm Giáo ngày đêm túc trực chăm sóc cho cụ. Đến đêm 26 rạng ngày 27.10 năm Kỷ Tỵ, cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Săc đã qua đời, hưởng thọ 67 tuổi. Sau khi cụ Phó bảng mất, bà con làng Hòa An đã tổ chức lễ tang cho Cụ tại nhà ông Năm Giáo. Buổi sáng ngày 27.11.1929, lễ an táng Cụ diễn ra trang trọng, có cả người già, phụ nữ và thiếu nhi đã đưa Cụ về nơi an nghỉ cuối cùng. Báo “Thần chung” do Diệp Văn Kỳ làm chủ nhiệm – một tờ báo yêu nước tiến bộ xuất bản ở Sài Gòn đã đăng bài viết tưởng nhớ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với nhan đề “Cụ Phó bảng Huy tạ thế”, ca ngợi tấm lòng nhân hậu vị tha, cuộc đời thanh bạch, giản dị và gần dân của cụ. Cụ Phó bảng mất đi để lại bao niềm tiếc thương cho người dân Nam Kỳ…
Sau ngày cụ Phó bảng qua đời, để hạn chế tầm ảnh hưởng của cụ, cầm quyền Pháp ra lệnh cấm mọi người không ai được phát cỏ quanh khu mộ, chăm sóc mộ. Nhưng mộ Cụ sạt lở chỗ nào thì đêm xuống nhân dân âm thầm đội đá, gạch ra lấp lại. Nhân dân Hòa An với tấm lòng kiên trung đã bảo vệ ngôi mộ được vẹn nguyên, trong đó có công lao to lớn của các tăng ni Phật tử Chùa Hòa Long, ngôi chùa mà sinh thời cụ thường xuyên đàm đạo với các sư trụ trì về việc đời, việc nước.
Năm 1954, các đơn vị bộ đội địa phương đã xây dựng ngôi mộ khang trang hơn, với lan can sắt bao bọc xung quanh, có bia mộ khắc tên tuổi của cụ Phó bảng… Tiểu đoàn 311 trước khi xuống tàu tập kết ra miền Bắc đã thăm viếng mộ, chụp ảnh phần mộ và gửi ra tặng Bác Hồ. Đó chính là những bức ảnh được Bác đặt vào hộp sơn mài màu đen để ở ngăn giá sách cao nhất. Chỉ lúc nào thật vắng người, Bác mới giở ra xem, tưởng niệm người cha thân yêu của mình…
Trong thời kỳ đế quốc Mỹ xâm lược, kẻ thù luôn có ý định phá bỏ, thủ tiêu mộ cụ Phó bảng - người cha của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Năm 1958, Nguyễn Quốc Hoàng - Tỉnh trưởng Tỉnh Kiến Phong (nay thuộc Tỉnh Đồng Tháp) đã cho họp bàn việc di dời hài cốt cụ Phó bảng đi nơi khác, nhưng thực chất là muốn bốc phá mộ Cụ. Biết được âm mưu đó, bà con Hòa An đã phản đối rất kịch liệt. Không phá hủy được mộ, chúng cho người ngày đêm canh gác, bắt bớ bất cứ ai đến sửa sang ngôi mộ. Bà con đã nghĩ ra nhiều cách tổ chức bố trí kết hợp cả lực lượng hợp pháp và lực lượng bí mật, tìm mọi sơ hở của địch mà tiến công. Học sinh, sinh viên từ các nơi nườm nượp đến viếng mộ, nhân dân lừa ép lính gác uống rượu say, tận dụng đêm đen tối trời, chia người đánh lạc hướng giặc để vào quét dọn mộ sạch sẽ… Vào những dịp Tết cổ truyền, mộ Cụ đều được bà con quét vôi và cúng viếng tươm tất.
Việc bảo vệ mộ cụ Sắc bấy giờ đã không đơn giản ở chỗ giữ gìn hài cốt một người yêu nước, mà trở thành một cuộc đấu tranh chính trị thực sự chống âm mưu của kẻ thù muốn nhổ cái đinh ghim vào mắt chúng hòng xóa sạch lòng tin của nhân dân đối với cách mạng, đối với Bác Hồ. Nhân dân ta vừa bảo vệ lòng tin với Đảng và Bác Hồ, vừa thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của đồng bào cả nước trước Bác kính yêu…
Ngày 15.5.1975, Tỉnh Sa Đéc được giải phóng, một trong những việc đầu tiên là phái đoàn quân dân chính Đảng tổ chức viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc một cách trang trọng. Mặc dù được nhân dân che chở bảo vệ phần mộ Cụ vẹn nguyên qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, nhưng vì ảnh hưởng bởi chiến tranh bom đạn ác liệt, nhất là vào năm Mậu Thân 1968 có một trái bom nổ gần kề ngôi mộ nên xung quanh bị sạt lở, bia mộ bị hư hại nhiều… Nhân dân đã lấy giấy viết rồi dán lên bia mộ Cụ.
Ngày 19.5.1975, dịp kỷ niệm đầu tiên ngày sinh của Bác ngay sau khi đất nước thống nhất, thật cảm động biết bao với hàng vạn đồng bào chiến sĩ Đồng Tháp đã kết xe hoa cờ Tổ quốc rước ảnh Bác Hồ về viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đồng bào miền Nam đã thực hiện niềm mong ước của Người, bởi sinh thời Người chưa một lần được về thăm mộ của cha mình.
Giải phóng xong, giữa công việc bộn bề sau chiến tranh nhưng Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp đã nhận thấy việc phải làm ngay là xây dựng mộ cụ Phó bảng, xem đó là tấm lòng đền đáp công lao vĩ đại của Bác kính yêu. Ngày 22.8.1975, Tỉnh ủy - UBND Tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành khởi công xây dựng Khu di tích Cụ Nguyễn Sinh Sắc và đến ngày 13.2.1977 đã tổ chức lễ khánh thành.
Năm 2010, thực hiện dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc”, Khu di tích mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc được tôn tạo xây dựng khang trang đặc biệt, phục dựng lại một góc Làng Hòa An xưa - nơi đã gắn bó với cụ những năm tháng cuối đời.
Về Cao Lãnh hôm nay, ngay giữa trung tâm Thành phố là Khu Di tích Quốc gia phần mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một công trình mang đậm dấu ấn văn hóa – lịch sử cách mạng của vùng Đồng Tháp Mười. Che chở ôm ấp lấy phần mộ của cụ là tình cảm đồng lòng chung sức của bà con Hòa An - Cao Lãnh được cách điệu bằng hình cánh sen có đắp nổi hình tượng chín đầu rồng, tượng trưng cho nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long luôn một lòng bảo vệ hài cốt người chí sĩ yêu nước. Phía trước mộ là đỉnh trầm có tạc hình búp hoa sen bằng đá cẩm thạch Nghệ Tĩnh – quê hương của cụ Phó bảng. Hồ Sen được xây dựng theo mô hình ngôi sao năm cánh tượng trưng cho hình ảnh Tổ quốc Việt Nam. Đài sen trắng ở giữa vươn cao lên tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch giản dị của cụ Phó bảng. Đó còn là biểu tượng của hoa Sen của Đồng Tháp Mười – nơi Cụ sống và an nghỉ vĩnh hằng, cũng như hoa Sen – nơi quê hương sinh ra cụ Phó bảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại…
Trong lần về thăm lại quê hương ngày 16.6.1957 sau hơn 50 năm xa nhà đi cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Mẹ của Bác mất ở Huế - miền Trung, bố của Bác mất ở Cao Lãnh - miền Nam, quê hương của Bác từ lâu là cả Tổ quốc Việt Nam”... Quả thực những người thân trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã an nghỉ ở cả ba miền của đất nước. Cha của Bác qua đời và an nghỉ ở Đồng Tháp, mẹ của Bác mất ở Huế được chị gái của Bác đưa về quê hương chôn cất, anh và chị của Bác mất và an nghỉ ở quê nhà. Bởi vậy, đồng bào du khách khi về thăm Kim Liên - quê hương Bác, thăm Khu mộ bà Hoàng Thị Loan vẫn hỏi tại sao cụ Phó bảng đến nay vẫn an nghỉ ở Miền Nam. Chỉ bởi miền Nam, mảnh đất Hòa An – Thành phố Cao Lãnh – Tỉnh Đồng Tháp đã là nơi dừng chân cuối cùng của thân sinh Bác, nơi xa quê hương hàng ngàn cây số nhưng cụ Phó bảng vẫn được sống trong tình yêu thương đùm bọc trọn nghĩa vẹn tình của bà con Đồng Tháp nói riêng, Nam Bộ nói chung… Nơi mà trong bom đạn của kẻ thù nhưng vẫn một lòng một dạ gìn giữ vẹn nguyên phần mộ của thân sinh Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và đó cũng là nơi mà ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ của dân tộc, đã đồng lòng đồng sức xây dựng phần mộ của Cụ khang trang đẹp đẽ. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã yên nghỉ trong lòng Hòa An - Cao Lãnh để ngày ngày con cháu và du khách muôn phương về viếng thăm, tưởng niệm. Nơi đây không chỉ phát huy đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” mà còn góp phần khẳng định về những giá trị văn hóa, lòng yêu nước, niềm tôn kính của nhân dân đối với nhà nho yêu nước - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh.
Với diện tích 3,6 ha, Khu di tích được chia thành ba khu vực chính gồm: Khu lăng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Nhà sàn Bác Hồ và Ao Sen. Ngôi mộ Cụ Phó bảng quay về hướng đông, có mái hình cánh sen cách điệu giống hình dáng bàn tay xòe úp xuống; trên mái đắp nổi tượng chín con rồng, tượng trưng cho các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long luôn che chở và bảo vệ ngôi mộ người chí sĩ yêu nước. Mộ được ốp bằng đá hoa cương, nền mộ bằng đá mài hình lục giác không đều, mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Trên mộ có một đỉnh trầm bằng đá Ngũ Hành Sơn, ngày đêm khói hương thơm ngát. Khuôn viên lăng mộ có nhiều loại cây cảnh, hoa trái quý hiếm được bà con khắp cả nước mang về trồng lưu niệm, đặc biệt là cây khế gần 300 tuổi (nằm bên trái mộ) và cây sộp hơn 300 tuổi (nằm bên phải mộ). Phía trước mộ là Ao sen hình ngôi sao 5 cánh, chính giữa sừng sững một đài sen trắng cách điệu cao gần 7m, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch, cao quý của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, và đó cũng là biểu tượng của quê hương Đồng Tháp.

Cùng trong khuôn viên lăng mộ cụ Phó bảng là khu Nhà lưu niệm trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Cụ, nhất là thời gian Cụ ở Cao Lãnh - vùng đất Nam Bộ và khu nhà sàn Bác Hồ được phục chế nguyên mẫu như nhà sàn của Bác trong Phủ Chủ tịch ở Hà Nội. Tại đây du khách cũng có thể cảm nhận và hình dung được cuộc đời thanh đạm của Bác, góc làm việc, nơi nghỉ ngơi của Người sau giờ làm việc… Hàng năm, cứ vào ngày 27.10 âm lịch, nhân dân Đồng Tháp và các nơi trong cả nước lại tụ về dự lễ giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong không khí trang nghiêm của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Tỉnh Đồng Tháp đã quyết định ngày giỗ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hằng năm là lễ hội cấp tỉnh, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn của các thế hệ đối với cụ Nguyễn Sinh Sắc, phát huy giá trị lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch “về nguồn” ở địa phương.
Đến thăm đồng bào Xã Thường Phước 1 giáp biên giới nước bạn Campuchia, đoàn Phụ nữ Quận Gò Vấp được các đồng chí cán bộ chiến sĩ Đồn Biên Phòng cửa khẩu Quốc tế Thường Phước tiếp đón và giới thiệu lịch sử cột mốc biên cương số 240, cùng nhiều hoạt động giao lưu, hữu nghị giữa bộ đội Biên phòng và Nhân dân 2 địa phương giáp biên giới, góp phần bảo vệ chủ quyền biên cương phía Nam thiêng liêng của Tổ quốc.

Đoàn được các đồng chí lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Xã Thường Phước 1 tiếp đón nồng nhiệt, bày tỏ cảm ơn sâu sắc những phần quà ấm áp nghĩa tình hậu phương dành cho đồng bào biên cương còn nhiều khó khăn, động viên vượt qua gian khổ góp phần phát triển đời sống kinh tế - văn hóa và bảo vệ chủ quyền biên cương thiêng liêng của đất nước. Tổng các phần quà do Hội Liên hiệp Phụ nữ các Phường 8, 9, 12, 13, 14, và 16 vận động trao tặng gồm 5 xe đạp, 30 phần tiền mặt (trị giá 9.000.000 đồng) dành cho hội viên phụ nữ của Xã Thường Phước 1 có hoàn cảnh khó khăn cùng 2 thùng khẩu trang, nhiều áo dài và tiền mặt 3.000.000 đồng dành cho Hội liên hiệp Phụ nữ Xã Thường Phước 1, đồng thời tặng 50 phần quà dành cho trẻ em của Xã có tinh thần vượt khó học tập tốt…








- Mặt trận Tổ quốc quận Gò Vấp thăm, tặng quà chiến sĩ các Đồn biên phòng, đồng bào dân tộc thiểu số và học sinh nghèo huyện Bù Đốp (04/06/2023)
- Quận Gò Vấp: Đại Lễ Phật đản Phật lịch 2567 - Dương lịch 2023 (01/06/2023)
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Gò Vấp thăm, chúc mừng các vị chức sắc, các cơ sở Phật giáo nhân dịp Đại lễ Phật đản (31/05/2023)
- Cụm Thi đua III Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố tuyên dương gương điển hình học tập Bác giai đoạn 2021-2023 (25/05/2023)
- Liên đoàn Lao động quận: Tuyên dương 27 tập thể, 90 cá nhân thực hiện tốt “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2022 (20/05/2023)
- Hội Chữ thập đỏ quận Gò Vấp ra mắt mô hình “Vườn cây sinh học” (19/05/2023)
- Tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng dân cư qua Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (12/05/2023)
- Hội Chữ thập đỏ quận Gò Vấp hưởng ứng Tháng nhân đạo năm 2023 chủ đề “Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” (08/05/2023)
- Lễ tưởng niệm lần thứ 36 ngày cố Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên viên tịch (07/05/2023)
- Đoàn Trung Tâm y tế quận Gò Vấp thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng, các cựu chiến binh, thương binh cùng các y bác sĩ tiếp quản ngành y ngày 30/4/1975 (29/04/2023)
- Phụ nữ quận Gò Vấp chung tay xây dựng Thành phố Xanh - Sạch đẹp - Thân thiện môi trường (29/04/2023)
- Tọa đàm "Lịch sử và ý nghĩa kỷ vật trao tặng" (29/04/2023)
- Quận Gò Vấp: nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho công nhân, người lao động trong “Tháng Công nhân” lần thứ 15 - năm 2023 (28/04/2023)
- Hội Chữ thập đỏ quận khai trương cơ sở 2 Phòng khám nhân đạo Y học cổ truyền (28/04/2023)
- Phường 10: Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân (28/04/2023)
- Phường 7: Tuyên truyền, phố biến Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở (27/04/2023)
- Họp mặt hội viên Hội Người mù quận Gò Vấp nhân Kỷ niệm 25 năm ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 (18/04/2023)